Theo báo cáo của Savills, trong quý 4/2021, số lượng căn hộ bán được đạt 4.200, tăng 72% theo quý và giá tiếp tục tăng quý thứ 12 liên tiếp.
Chung cư tăng giá 12 quý liên tiếp
Tại báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý 4/2021, Savills Việt Nam cho biết, các chỉ số thị trường trong 3 tháng cuối năm khởi sắc hơn so với quý trước. Tuy nhiên, sự sụt giảm ở phân khúc căn hộ bán tiếp tục được ghi nhận khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong quý 4/2021, nguồn cung căn hộ mới tăng 42% so với quý 3/2021 tương đương khoảng 4.500 căn nhưng giảm -19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giai đoạn tiếp theo của 6 dự án cung cấp 3.600 căn, tương đương 80% nguồn cung mới; 20% còn lại đến từ 4 dự án mới.
Tính cả năm 2021, nguồn cung sơ cấp xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, với hơn 33.600 căn, giảm -21% theo năm. Nguồn cung mới và hàng tồn kho ở mức thấp.Trong quý 4/2021, số lượng căn bán được đạt 4.200, tăng 72% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ đạt 19%, tăng 7 điểm % theo quý và giá tiếp tục tăng quý thứ 12 liên tiếp.
Số lượng căn bán được đạt 4.200, tăng 72% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ đạt 19%, tăng 7 điểm % theo quý và giá tiếp tục tăng quý thứ 12 liên tiếp.
Nếu phân tích thị trường theo các mức giá, số lượng giao dịch căn hộ hạng B dẫn đầu với 57% số căn bán được, trong khi hạng C có tỷ lệ hấp thụ cao nhất đạt 69%.
Như vậy, trong năm 2021, sản phẩm có mức giá từ 35-46 triệu đồng/m2 chiếm 52% số căn bán được, tăng 9% theo năm. Phần lớn các căn hộ trong khoảng giá này tại các quận/huyện Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên và Gia Lâm.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, nguồn cung mới và số lượng giao dịch căn hộ của năm 2021 tại thị trường Hà Nội thấp nhất trong vòng 5 năm qua do giãn cách xã hội kéo dài, tuy nhiên thị trường cuối năm có dấu hiệu phục hồi với tình hình hoạt động được cải thiện.
Các chủ đầu tư trong nước và nhà điều hành có thương hiệu đang hợp tác thực hiện các dự án cao cấp. Mặt khác, nguồn cung hiện đang mất cân đối và nhu cầu về căn hộ giá bình dân gia tăng.
“Trong tương lai dự kiến, căn hộ hạng A và B với giá bán cao hơn sẽ chiếm phần lớn thị trường. Đến năm 2024, hạng A sẽ cung cấp 20% nguồn cung, hạng B chiếm 68% và hạng C chiếm 12%. Đáng chú ý, với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận, bao gồm: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 27% nguồn cung tương lai”, bà Hằng nhận định.
Giá nhà liền kề, biệt thự tăng từ 33-60%
Cũng theo báo cáo của Savills, trong quý 4/2021 thị trường biệt thự/nhà liền kề ở Hà Nội không ghi nhận dự án nào mới, trong khi nguồn cung mới chỉ đến từ các giai đoạn tiếp theo của 3 dự án đang bán. Nguồn cung mới đạt 245 căn, tăng 9% theo quý và 29% theo năm.
Nguồn cung sơ cấp đạt 1.123 căn, tăng 3% theo quý nhưng giảm -27% theo năm. Mặc dù nguồn cung sơ cấp đã có sự tăng trưởng nhẹ trong quý này nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Quận Tây Hồ dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với 28% thị phần, nhỉnh hơn quận Hoàng Mai với 26%.
Về giao dịch, Savills cho biết hoạt động giao dịch sản phẩm biệt thự/nhà liền kề trong quý 4 đã được cải thiện. Đặc biệt, tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới đạt 83% nhờ vào các hoạt động huy động vốn của chủ đầu tư.Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 180 triệu đồng/m2 đất, tăng 60% theo quý và 82% theo năm; giá trung bình của nhà liền kề là 171 triệu đồng/m2 đất, tăng 33% theo quý và 54% theo năm.
Theo báo cáo, hầu hết các dự án bắt đầu huy động vốn từ khá sớm với các phương thức đa dạng bao gồm hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư hay hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Cụ thể, lượng giao dịch trong quý đạt 411 căn bán được, tăng 96% theo quý nhưng giảm -19% theo năm. Quận Tây Hồ ghi nhận lượng giao dịch cao nhất với 40% thị phần, theo sau là huyện Đông Anh với 21%; trong đó, nhà liền kề và nhà phố chiếm 57% lượng giao dịch, trong khi biệt thự chiếm 43% thị phần, tỷ trọng cao nhất từ quý 1/2020.
Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 180 triệu đồng/m2 đất, tăng 60% theo quý và 82% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 171 triệu đồng/m2 đất, tăng 33% theo quý và 54% theo năm.
Với nhà phố, giá trung bình khoảng 239 triệu đồng/m2 đất, tăng 12% theo quý và 30% theo năm. Mặc dù hầu hết các chủ đầu tư đều không thay đổi bảng giá, giá sơ cấp trung bình vẫn tăng đáng kể do nguồn cung mới đắt đỏ.
Bỏ qua những dự án có sự khác biệt này, giá sơ cấp trung bình năm 2021 có mức tăng trưởng thấp hơn với 6% cho biệt thự, 13% cho nhà liền kề và 15% cho nhà phố.
Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn khá thiếu nguồn cung mới có giá chào bán thấp tại các quận/huyện nằm ngoài trung tâm, dẫn tới sự biến động lớn trong giá trung bình toàn thị trường…
Nhận định về việc tăng giá bất động sản (BĐS) trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nếu đầu tư một phần thì giá trị sẽ tăng một phần vì BĐS tăng tỷ lệ thuận với đầu tư. Thế nhưng hiện nay có hiện tượng đầu tư một mà giá lại tăng 3 – 4 lần, thậm chí tại một số địa phương còn tăng nhiều hơn thế và điều này chắc chắn có sự bất hợp lý.
Dẫn chứng là theo bộ phận phân tích dữ liệu của VARS, trong năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, giá BĐS ở hầu hết các phân khúc tại các địa phương đều liên tục tăng, có những khu vực còn xảy ra hiện tượng tăng “nóng”. Từ đó dẫn đến việc thị trường đã xuất hiện những tín hiệu bất thường như “bong bóng” cục bộ, giá đất nền tăng “phi mã” ở mức không bình thường trong khi có nhiều dự án mặc dù được quảng cáo nhiều với giá cao nhưng thanh khoản lại không tăng tương xứng.
Chủ tịch VARS phân tích nguyên nhân chính là do nguồn cung khan hiếm trong khi lực cầu thị trường đang mạnh, đặc biệt là nhu cầu mua để đầu tư. Tuy nhiên ông Đính đánh giá lực cầu BĐS hiện nay là chỉ là cầu “ảo” vì nếu là cầu thật thì BĐS phải phục vụ nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài. Đồng thời các dòng vốn đang chảy vào BĐS hiện tại chỉ mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi, đầu tư “lướt sóng”.
Theo Tienphong.vn