Án ngữ ở vị trí vàng cùng những kỳ vọng được đền bù hấp dẫn, gia tăng cơ hội thay đổi sự vận động của dòng tiền trong thời kỳ kinh tế khó khăn là 1 trong những lý do chính khiến nhà tập thể bất ngờ được ‘săn lùng’ trở lại.
Trong cơn bão tăng giá bất động sản, nhiều người sống xa trung tâm không dễ để sở hữu nhà ở tại khu vực nội đô. Báo cáo gần đây của CBRE cho thấy, kết thúc quý II/2023, giá sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ chung cư Hà Nội đạt 47,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tương đương mức tăng 1,6% so với quý trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 do tỷ trọng phân khúc cao cấp tăng thêm.
Ở thị trường thứ cấp, giá bán trung bình căn hộ tại Hà Nội đạt xấp xỉ 31 triệu đồng/m2, gần như không đổi so với quý I/2023 nhưng tăng 3,2% theo năm. Theo vị trí, hầu hết các khu vực đều tăng giá so với cùng kỳ năm trước; trong đó Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông và Bắc Từ Liêm có mức tăng giá thứ cấp cao từ 5-6% trong năm qua.
Với mức giá bất động sản liên tục neo cao, trong khi lãi suất ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhà tập thể cũ lại có chiều hướng đi ngược lại.
Để thuận tiện cho công việc và sinh hoạt, phù hợp với ngân sách tài chính, rất nhiều người chấp nhận tìm mua các căn hộ chung cư cũ với mức giá hợp lý và một bộ phận trong đó tìm đến phân khúc nhà tập thể cũ. (Ảnh: Thu Giang)
(ảnh chụp màn hình)
Mặc dù hầu hết các khu nhà ở tập thể cũ đều đã xuống cấp, cơi nới, bất tiện trong sinh hoạt nhưng dễ hiểu lý do vì sao “sản phẩm” này vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Theo đó, không khó để mọi người có thể đưa ra lời giải với những gạch đầu dòng như: Nhà tập thể cũ thường sở hữu vị trí đẹp, giá tốt và đương nhiên là còn có cơ hội được đền bù khi cải tạo.
Tuy nhiên, việc mua nhà cũ để mong được đổi nhà mới, tưởng thuận tiện cho đi lại vì án ngữ tại các vị trí vàng lại hóa “bất tiện”, cuộc sống tại khu tập thể cũ trên thực tế đã khiến không ít người “vỡ mộng” khi khác xa tưởng tượng và tính toán.